logo

SAM Agritech hợp tác với New Zealand đưa bơ Đắk Nông tiếp cận thị trường thế giới

SAM Agritech hợp tác với New Zealand đưa bơ Đắk Nông tiếp cận thị trường thế giới

16:12 - 29/11/2018

Vào ngày 20/07/2018, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công Nghệ cao (viết tắt: SAM  Agritech) đã ký hợp đồng đồng góp vốn đầu tiên với UBND tỉnh Đăk Nông, văn phòng hợp tác G2G New Zealand và Viện Cây trồng và Thực phẩm New Zealand để hỗ trợ cho quả bơ Đăk Nông.

Dự án hỗ trợ trong 3 năm sẽ tạo nền móng vững chắc, tăng năng suất và chất lượng cho các giống bơ tươi, có giá trị sản xuất cao của tỉnh Đắk Nông, bao gồm cả giống bơ Hass. Việt Nam sở hữu nhiều giống bơ đa dạng được nhập về từ nhiều nguồn khác nhau trên thị trường. Tuy vậy, hầu hết giống bơ đều không đạt chuẩn và chủ yếu thuộc chủng Tây Ấn Độ vỏ xanh.

Loại bơ tại địa phương hiện nay được đánh giá là phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu trong khu vực, nhưng tiềm năng để xuất khẩu sang các thị trường thế giới có giá trị cao là rất thấp. Ngoài ra, trên thế giới, giống bơ Hass mới là giống bơ phổ biến nhất và chiếm tới 80% lượng tiêu thụ bơ trên toàn cầu.

Bà Karlene Davis, Tổng Lãnh sự New Zealand tại Việt Nam, chia sẻ: “Giống như Việt Nam, ngành nông nghiệp và thực phẩm đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế New Zealand. Hơn 80% tổng sản phẩm nông nghiệp của New Zealand là dành cho xuất khẩu".

"Vào năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu bơ của New Zealand đạt mốc 155,5 triệu NZD, xuất khẩu tới các thị trường quốc tế như Úc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan. Tính đến nay, đây là kỉ lục mới so với con số xuất khẩu bơ cao nhất trước đây là 103 triệu NZD trong năm 2014", bà Davis nói.

            Theo bà tổng lãnh sự, New Zealand bỏ vốn đầu tư lớn nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm định chất lượng, tăng năng suất và phân phối để đạt được kết quả trên."Vì vậy, chúng tôi đã phát triển được nền tảng chuyên môn hàng đầu thế giới, và chúng tôi tin rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp tỉnh Đắk Nông phát triển chuỗi giá trị của cây bơ cho riêng mình", bà cho biết thêm.

            Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm New Zealand có trình độ chuyên môn cao hàng đầu thế giới, mang đến những giải pháp sáng tạo trong ngành nông nghiệp kỹ thuật cao. Trong khi đó, công ty SAMAgritech có nhiều kiến thức về thị trường nội địa Việt Nam.

            “ Dự án hợp tác này sẽ là một cơ hội lớn cho ngành bơ tỉnh Đăk Nông. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam và New Zealand ký kết mô hình đồng góp vốn như này” – chia sẻ của Tiến sỹ Emmet McElhatton – Giám đốc thương mại của Văn Phòng hợp tác G2G New Zealand.

            “SAM Agritech là một công ty tại Đắk Nông và chuyên về đầu tư các dự án Nông nghiệp bền vững. Công ty đã rất nỗ lực trong việc xây dựng chuỗi giá trị bơ của tỉnh Đắk Nông. Sự hợp tác này là một bước tiến quan trọng để SAMmAgritech có thể nâng quy mô đầu tư cũng như dành nguồn lực đầu tư dài hạn phát triển ngành bơ tại Đắk Nông”, bà Nguyễn Thu Hoài, chủ tịch công ty SAM Agritech, chia sẻ.

            Mô hình hợp tác mới là một phần của Biên bản ghi nhớ “Thoả thuận hợp tác phát triển quả bơ tại tỉnh Đắk Nông” được ký giữa bốn bên trong chuyến thăm chính thức tới New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 03/2018 vừa qua.

            Bơ Việt Nam được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên, tập trung ở 2 tỉnh Đăk Nông và Đăk Lăk trong đó diện tích bơ tại Đăk Nông vào khoảng 2600 ha, chiếm 1/5 tổng diện tích cây trồng. Sản lượng trung bình hàng năm đạt mức 10-15 tấn/ha. Với giá cả ở mức cao trong những năm gần đây, 1 hecta có thể thu về 300-500 triệu đồng trong 1 năm (tương đương $13000-$21700).

            Bơ cũng đang giúp giảm tình trạng đói nghèo cho nhân dân địa phương.